VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

347

Total

206

Share

Definition poems and Riddle poems in Emily Dickinson’s Poetry






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Two intriguing phenomena in the poetry of the American poet Emily Dickinson (1830 – 1886), definition poems and riddle poems, have long attracted the interest of researchers and critics. However, it can be seen that there has been almost no explication of the phenomena from the language perspective but principally from her individuality, creativity and capacity of imagination. In the field of modern Linguistics, Louis Hjelmslev (1899 – 1965), a follower of Ferdinand de Saussure (1857 – 1913), on developing the theory of linguistics and semiotics by Saussure, proposes the principle of generalization, which theorizes that language signs can entail each other in the plane of content (the signified); therefore, they can be categorized into a system / order, and so are defined accordingly. Dickinson’s poetry, studied from this perspective, contains flexibility in the structure proposed by the Saussurean structuralists. Based on the aforementioned principle by Hjelmslev, this paper will clarify the formation of definition and riddle poems, through which the act of defining and riddling are proved to highlight her power of imagination in poetry.

GIỚI THIỆU

Có thể nói thơ của Emily Dickinson (1830 – 1886), một nhà thơ Mỹ giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, khá đa dạng và phong phú về cả hình thức lẫn nội dung. Nhìn từ góc độ ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu thích thú nhận ra có rất nhiều hiện tượng độc đáo trong thơ của bà, như cách dùng từ, ngữ pháp, dấu câu… Trong số những hiện tượng ngôn ngữ đó nổi lên hai hình thức thơ thú vị là thơ định nghĩa và thơ đố, điều thể hiện tính cá nhân sáng tạo, tính truyền thống và tính hiện đại trong thơ của bà. Với thơ định nghĩa, Dickinson tái thiết một thế giới cho chính mình, của chính mình, mà những ai muốn bước vào chỉ có thể dùng chính nhãn quan của bà để tri nhận. Với hình thức câu đố, nữ sĩ Amherst gắn với truyền thống văn học dân gian, nói rõ hơn là truyền thống của Kinh Thánh, một bộ sách không thể thiếu trong nền văn hóa đã nuôi dưỡng bà, vì các loại câu đố có thể được tìm thấy rất nhiều trong các sách Cựu ước như Châm ngôn, Thủ lãnh… 1 . Hơn nữa, với ý thức về sự che giấu trong thể loại thơ đố, Dickinson còn thể hiện tính hiện đại, rất khác truyền thống lãng mạn trong thời đại của bà. Bởi vì các nhà nghiên cứu chủ yếu nhìn hai hiện tượng thơ này từ góc độ sáng tạo cá nhân 2 , 3 , nên người viết sẽ thử lý giải hiện tượng đó từ góc độ Ký hiệu học, với lý thuyết của nhà ngôn ngữ học Louis Hjelmslev.

LOUIS HJELMSLEV (1899 – 1965) VÀ KHÁI NIỆM KÝ HIỆU HỌC LIÊN QUAN ĐẾN TỪ ĐIỂN

Louis Hjelmslev và trường phái Ký hiệu học của Ferdinand de Saussure (1857 – 1913)

Nhà ngữ học Louis Hjelmslev là người đã hoàn thiện lý thuyết ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure, cha đẻ của ngành Ngữ học hiện đại. Trong cuốn Prolegomena to a Theory of Language ( Vài mở đầu về Lý thuyết Ngôn ngữ ) 4 , viết năm 1943, Hjelmslev đã thể hiện sự tri ân của ông đối với Saussure, người mà Hjelmslev cho là hiển nhiên phải được xem xét đặc biệt như là một người tiên phong (tr. 7). Đồng quan điểm với Saussure, Hjellmslev khẳng định trước giờ “chúng ta chỉ nghiên cứu các phương diện lý tính và chức năng, tâm lý và luận lý, xã hội và lịch sử của ngôn ngữ, chứ không phải chính ngôn ngữ” (tr. 5). Điều này đã làm các nhà ngữ học chân chính thất vọng, và đã tới lúc phải xem xét ngôn ngữ như một tổng thể tự thân (a self-sufficient totality) ; đó mới chính là phương pháp khoa học dành cho ngôn ngữ. Ông khẳng định:

“Đối tượng mà lý thuyết ngôn ngữ quan tâm là văn bản. Mục tiêu của lý thuyết ngôn ngữ là cung cấp một phương pháp theo từng bước mà theo đó bất kỳ một văn bản nào cũng có thể được hiểu thông qua sự mô tả thống nhất và thấu đáo trong bản thân văn bản đó. Nhưng lý thuyết ngôn ngữ cũng phải chỉ ra được bằng cách nào tất cả những văn bản khác có cùng bản chất đều có thể được hiểu theo cùng một cách thức, và lý thuyết ngôn ngữ làm được điều đó bằng cách cung cấp cho chúng ta những công cụ có thể sử dụng được cho bất kỳ văn bản nào như vậy.” [ 4 , tr. 16]

Trường phái Ngữ học của Saussure nhìn ngôn ngữ như những ký hiệu ( signs ), và xem xét các ký hiệu từ góc nhìn cấu trúc luận. Từ đó, họ khẳng định tính cấu trúc của một ký hiệu với hai mặt: cái biểu đạt (the signifier ) và cái được biểu đạt ( the signified ). Hành động thể hiện một ký hiệu trong giao tiếp gọi là hành động biểu đạt ( signification ) 5 . Với tính cấu trúc mà Hjelmslev đã nhắc đến ở trên, tất cả các ký hiệu đều tuân theo hệ thống trật tự mà lý thuyết ngôn ngữ đã nhận ra. Các nhà cấu trúc luận, bằng việc khái quát hóa phương pháp theo từng bước (procedural method) , đã thành công trong việc nhận thấy và đưa các ký hiệu về những cấu trúc thích hợp.

Nhưng các nhà cấu trúc luận không chỉ lưu tâm đến vấn đề cấu trúc mà còn đến mối quan hệ giữa âm thanh và ý tưởng trong một ký hiệu ngôn ngữ nữa. Đối với Saussure, mối quan hệ đó có sự hiện diện của trạng thái sinh lý và tâm thần. Bỏ qua vấn đề về trạng thái sinh lý, nơi nhấn mạnh những bệnh lý và thói quen về phát âm, người viết lưu tâm đến các vấn đề về trạng thái tâm thần. Theo Tzvetan Todorov 6 , trong những chương đầu tiên của cuốn On Interpretation ( Về sự diễn giải ), Aristotle đã nhắc đến mối quan hệ ba chân giữa các thuật ngữ: âm thanh, tình trạng lý trí, và sự vật. Nhân vật tiếp theo mà Todorov nhắc đến là Augustine, một nhà thần học, cũng đã tìm đến khái niệm của ký hiệu trong những tác phẩm chú giải Kinh Thánh của mình. Sau những phân tích và lý giải, Todorov nhấn mạnh Augustine cũng tiến rất gần đến quan niệm của Aristotle: “tình trạng tinh thần là giống nhau ở mọi nơi và chỉ có ngôn ngữ là đặc thù” [ 6 , tr. 42]. Một điểm chung nhất đã nổi rõ lên giữa Aristotle, Augustine và Saussure: việc sử dụng ký hiệu ngôn ngữ có sự liên hệ mật thiết với tình trạng tâm thần và lý trí của người sử dụng; hay nói cách khác, nó phản ánh và bộc lộ thế giới tinh thần của họ. Các ký hiệu là những quy ước mang tính xã hội mà không một cá nhân nào có thể tự ý thay đổi, nhưng hơn thế nữa, những ký hiệu ngôn ngữ này vẫn có thể mang dấu ấn cá nhân tùy thuộc vào trạng thái tinh thần của người nói/ người viết, đặc biệt là khi Saussure nhắc đến hai quan hệ chính mà cơ cấu tiếng nói dựa vào, là liên hệ ngữ đoạn ( syntagmatic relations ) và liên hệ kết hợp ( associative relations ), mà sau này Roman Jakobson, một nhà Hình thức luận Nga đã đổi thành trục lựa chọn ( selection ) và trục kết hợp ( combination ) cho dễ hiểu hơn [ 7 , tr. 162]. Trong ngôn ngữ văn học nói chung và trong ngôn ngữ thơ nói riêng, hai liên hệ căn bản này cho phép người sử dụng các ký hiệu ngôn ngữ được linh hoạt trong cách vận dụng để tạo ra một thứ ngôn ngữ mang dấu ấn cá nhân, phản ánh rõ nét thế giới tinh thần phong phú và trí tưởng tượng không biên giới của người sáng tác.

Như vậy, trường phái Ký hiệu học của Saussure với sự hậu thuẫn của các nhà cấu trúc luận, trong đó có Hjelmslev, đã giới thiệu được hai vấn đề quan trọng của lý thuyết ngôn ngữ: (1) tính cấu trúc của ký hiệu ngôn ngữ; và (2) mối quan hệ giữa âm thanh và ý tưởng trong một ký hiệu ngôn ngữ, điều thể hiện cơ cấu tâm thần của người sử dụng ngôn ngữ.

Nguyên lý khái quát hóa và ý tưởng về từ điển trong Ký hiệu học của Hjelmslev

Umberto Eco (1932 – 2016), nhà ký hiệu học người Ý, trong cuốn Ký hiệu học và Triết học về Ngôn ngữ (Semiotics and the Philosophy of Language) 8 , xuất bản năm 1984, đã cho rằng Hjelmslev có thể là người đầu tiên nhắc đến ý tưởng về từ điển (tr. 47). Eco cho rằng đó chỉ mới là “ý tưởng” (“the idea of a dictionary”) vì trong cuốn Vài mở đầu về Lý thuyết Ngôn ngữ (Prolegomena to a Theory of Language) của Hjelmslev đã được nhắc đến ở trên, thực chất Hjelmslev chưa từng nhắc đến vấn đề từ điển. Ông chỉ thảo luận về những phương pháp theo từng bước để phân tích ngôn ngữ. Tuy nhiên, qua đó, có thể thấy rằng ông đã gián tiếp đưa ra các định nghĩa với hệ thống cấu trúc của mình. Nguyên lý quan trọng mà Hjelmslev có nhắc đến là nguyên lý khái quát hóa ( principle of generalization ) [ 8 , tr. 69]. Theo nguyên lý này, những ký hiệu ngôn ngữ có thể bao hàm nhau ( entail ) ở trường nội dung ( plane of content ), tức là cái được biểu đạt ( the signified ), để cuối cùng, các ký hiệu ngôn ngữ có thể được định nghĩa và sắp xếp theo hệ thống. Khi dựa theo hệ thống đó cùng nguyên lý mà Hjelmslev đề ra, các ký hiệu ngôn ngữ có thể được định nghĩa theo thuộc tính ngữ nghĩa (semantic features) của chúng, ví dụ “Ram = he-sheep; ewe = she-sheep” [8, tr. 70] (xem Table 1 ). Vì lý do đó mà Eco đã cho rằng “nhà ký hiệu học đầu tiên phác thảo ý tưởng về từ điển có lẽ là Hjelmslev” [ 8 , tr. 47].

Cụ thể hơn, nguyên lý khái quát hóa được Hjelmslev giải thích như sau: Xem xét một chuỗi ( chain ) trong từ-biểu đạt ( word-expression ) (ý của Hjelmslev đang muốn nói đến cái biểu đạt – the signifier ), sẽ thấy rằng chuỗi này có thể được chia ra thành những âm tiết ( syllables ), chẳng hạn sla, sli, slai, sa, si, sai, la, li, lai . Ở giai đoạn tiếp theo, những âm tiết này lại có thể được chia thành phần trung tâm ( central parts ) và phần biên ( marginal parts ). Từ đó, một bản kê cho các thể loại phần trung tâm và phần biên có được theo thứ tự sẽ là a, i, ai, sl, s, l . Tuy nhiên, ai sl bị loại khỏi bản kê này do chúng là một đơn vị được cấu tạo bởi a i (trong trường hợp ai ), và s l (trong trường hợp sl ). Vì vậy, bản kê này chỉ còn a, i, s l . Những phần này là phần trung tâm, không thể chia nhỏ được nữa. Đó là về mặt trường biểu hiện ( plane of expression ), hay cái biểu hiện ( the signifier ) của một ký hiệu ngôn ngữ [ 4 , tr. 67 – 68].

Từ những quan sát trên, Hjelmslev nhận thấy có một tính quy luật về sự khái quát hóa, một quy luật rất quan trọng mà ông cho là phải được xem như “một trong những nguyên lý tổng quát của lý thuyết ngôn ngữ này” (“one of the general principles of the theory”) [ 4 , tr. 69], và ông tin rằng nguyên lý này có một vai trò tàng ẩn trong nghiên cứu khoa học. Nguyên lý này được phát biểu như sau:

“Nếu một đối tượng thừa nhận một giải pháp một cách rõ ràng, không mập mờ, và một đối tượng khác cũng thừa nhận cùng giải pháp đó, nhưng một cách mập mờ, thiếu rõ ràng, thì giải pháp đó sẽ được khái quát hóa để trở thành hợp lý cho đối tượng mập mờ, thiếu rõ ràng.” [ 4 , tr. 69]

Nói cách khác, Hjelmslev đã nhận ra giá trị trung tâm, cốt lõi của một thành phần, để thành phần này có thể được khái quát hóa để trở thành giá trị đúng ( valid ) cho mọi đối tượng có chứa thành phần tương tự. Ông cho rằng nguyên lý này không chỉ được áp dụng ở trường biểu hiện (expression plane) mà còn có thể được áp dụng ở trường nội dung ( content plane ). Theo đó, ở một giai đoạn của phương pháp phân tích sẽ dẫn đến những thực thể nội dung ( entities of content ) như: ram, ewe, man, woman, boy, girl, stallion, mare, sheep, human being, child, horse, he she . Sau đó, ram, ewe, man, woman, boy, girl, stallion, mare sẽ được loại khỏi bản kê nếu chúng đã thể hiện rõ thuộc tính “he” và” she” (nghĩa là ram, man, boy, stallion chỉ giống đực; ewe, woman, girl, mare chỉ giống cái). Những từ còn lại bao gồm sheep, human being, child , và horse . Ở bước tiếp theo, ông sử dụng phương pháp thử nghiệm trao đổi ( exchange test ), nghĩa là thử kết hợp chúng với nhau giống như ông đã làm với trường biểu hiện để ra được các âm tiết như sai, sa, si . Sự thử nghiệm trao đổi, ví dụ, giữa các thực thể nội dung ram, he, sheep sẽ cho ra “ram = he-sheep”, và nó sẽ khác với “ewe = she-sheep”, hoặc “ram = he-sheep” sẽ khác với “stallion = he-horse”… Giống như sự phân chia ở trường biểu hiện phải được thực hiện cho tới khi đạt được giới hạn, nghĩa là các âm tiết không thể chia cắt được nữa, thì sự phân chia ở trường nội dung cũng vậy, cho đến khi các bản kê không giới hạn ( unrestricted inventories ) đạt được sự giới hạn và trở thành bản kê có giới hạn ( restricted inventories ) . Với ví dụ trên, Hjelmslev cho rằng he she , vì là đại từ và nằm trong hạng mục đặc biệt, nên có ít thành viên, và trở thành bản kê giới hạn, trong khi sheep, human being, child horse thuộc bản kê không giới hạn.

Eco trong cuốn Ký hiệu học và Triết học về Ngôn ngữ ( Semiotics and the Philosophy of Language ) 8 đã tóm lược nguyên lý khái quát hóa của Hjelmslev như sau: một ký hiệu được giải thích khi những khái niệm không giới hạn được đưa vào những bản kê giới hạn ( restricted inventories ) có chọn lọc, cho đến khi giới hạn đó không còn giới hạn được nữa, thì ký hiệu đó có thể được giải thích và phân biệt với ký hiệu khác [ 8 , tr. 47]. Thú vị thay, Eco tuy không cùng trường phái cấu trúc luận như Hjelmslev, nhưng lại minh họa ví dụ mà Hjelmslev đưa ra một cách cụ thể và rõ ràng hơn trong cấu trúc ở Table 1 .

Table 1 Những ví dụ của Hjelmslev về nguyên lý khái quát hóa các ký hiệu ngôn ngữ (Nguồn: Eco, 1986, tr.48)

Theo Table 1 , Hjelmslev đã đưa những khái niệm chưa có giới hạn là “SHEEP, HUMAN, CHILD, HORSE” vào hai giới hạn được chọn lọc là “SHE” và “HE” mà ông tin rằng chúng thuộc về một hạng mục với số lượng giới hạn ( restricted number of members ). Do đó, ông đã phân biệt được tám khái niệm “ewe, ram, woman, man, girl, boy, mare, stallion” như đã nêu trên, chẳng hạn: “ A woman is a female human” , “phụ nữ là loài người giống cái.” Nhờ phương pháp này, các ký hiệu ngôn ngữ sẽ được giải thích. Ví dụ, /đàn ông/ = “loài người + giới nam + trưởng thành” (/man/ = “human + male + adult”), hay /đàn ông/ = “loài vật phải chết có lý trí” (/man/ = “rational mortal animal”). Chính ở hiện tượng diễn giải này mà Eco cho rằng Hjelmslev có thể là nhà ký hiệu học đầu tiên nhắc đến ý tưởng về từ điển.

Như đã nói trên, Eco không cùng trường phái Ký hiệu học với Saussure và Hjelmslev; ông thuộc trường phái Ký hiệu học của Charles Sanders Pierce (1839 – 1914), xem Ký hiệu học thuộc lĩnh vực Triết học, là khoa học thuần túy (formal sciences) . Khi nhắc đến Hjelmslev trong nghiên cứu của mình, mục đích của Eco là để chỉ ra những hạn chế của trường phái này. Tuy nhiên, Eco không phủ nhận phương thức của Hjelmslev đã giải thích được khá nhiều hiện tượng trong ngôn ngữ, ví dụ như hiện tượng từ đồng nghĩa và sự diễn giải ( a woman is a female human ); sự giống nhau và khác nhau ( ram/ stallion giống nhau là cùng giống đực, nhưng về phương diện khác chúng là hai loài khác nhau); từ trái nghĩa ( girl/ boy ); quan hệ thượng hạ vị hay quan hệ bao nghĩa ( hyperonymy hyponymy ) ( horse/ stallion ); sự có nghĩa và vô nghĩa (về mặt ngữ nghĩa học) ( a female stallion là vô nghĩa); tính mơ hồ ( ambiguity ) ( ram = male sheep ram = warship ); tính dư thừa ( a male ram là cách nói dư); tính bất nhất (inconsistency) ( this is a ram this is a ewe không thể đúng cùng lúc); vân vân và vân vân. Mặc dù vậy, Eco nhận ra rằng phương thức của Hjelmslev không trả lời được hai câu hỏi quan trọng: (1) làm thế nào để định nghĩa được các thành tố trong đó? (chẳng hạn ram is a male sheep , thì làm sao định nghĩa sheep ?) và (2) làm thế nào để có được một bản kê giới hạn ( finite inventory ) (chẳng hạn male female )?

Eco tiến đến phân tích và giải thích các câu hỏi, kết hợp các lý thuyết của các nhà ngôn ngữ khác, để đưa ra một phương thức tiệm cận với sự thật hơn. Tuy nhiên, vì Eco bắt đầu đi rất sâu vào lĩnh vực chuyên ngành của ngôn ngữ nên ở đây chúng tôi không giải thích chi tiết, vì có nguy cơ sẽ đi rất xa khỏi đề tài và giới hạn của bài viết này. Chúng tôi chỉ dừng lại ở phương thức của Hjelmslev cùng với những đặc điểm nổi trội của nó mà Eco đã nhắc đến trong việc tạo ra những cấu trúc cho các khái niệm, và chúng tôi sẽ dùng sơ đồ này để phân tích hiện tượng thơ của Emily Dickinson (1830 – 1885).

Trục hoành trong Table 1 nêu trên bao gồm các khái niệm không có giới hạn, cần được đưa vào bản kê giới hạn. Trong thơ Dickinson, trục hoành này so với Table 1 là không thay đổi. Sự thay đổi chỉ diễn ra ở trục tung. Nếu trong Table 1 , trục tung là trục của giá trị giới hạn, với số lượng ít, để có thể đưa các khái niệm về giới hạn, thì trong thơ Dickinson, trục tung này lại cũng hầu như không có giá trị giới hạn như nó phải có. Cuối cùng, kết quả mà người đọc có là các định nghĩa của bà hoàn toàn mang tính sáng tạo, độc đáo, thú vị, bất ngờ. Bởi vì Dickinson không tạo ra một khung giới hạn nào như cách làm của Hjelmslev, nên thay vì giới hạn, có thể nói các định nghĩa của bà lại mở rộng đến vô cùng, thể hiện một trí tưởng tượng bay bổng. Có thể hình dung các định nghĩa mà Dickinson đưa ra theo mô hình đơn giản ở Table 2 .

Table 2 Cấu trúc định nghĩa của Dickinson

Với phương thức độc đáo như thế, trong thơ của Dickinson có nhiều định nghĩa mới và hiện tượng câu đố. Thật vậy, nhà nghiên cứu Benfey (2007) cũng đã khẳng định thể loại thơ mà bà yêu thích là thơ định nghĩa ( the definition poem ), “nơi mà bà hầu như luôn luôn chọn những thứ trừu tượng và định nghĩa nó bằng những thứ cụ thể” [ 2 , tr. 89].

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA HÀNH ĐỘNG ĐỊNH NGHĨA VÀ HÀNH ĐỘNG ĐỐ VỚI TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

Lý thuyết Phản hồi độc giả ( Reader response ) của Wolfgang Iser (1926 – 2007) có thể làm sáng tỏ mối quan hệ giữa hai hành động này với trí tưởng tượng. Trong lý thuyết của mình, Iser nhấn mạnh sự tham gia và trí tưởng tượng của người đọc mà nhờ đó một văn bản văn học mới có thể được xem là hoàn tất và có ý nghĩa. Đối với nhà thơ/ nhà văn, có thể xem họ là những người đọc tích cực của một văn bản đặc biệt, một văn bản rộng lớn và linh hoạt nhất: cuộc đời. Với vai trò người đọc, họ đã diễn giải cuộc đời theo cách riêng của mình và làm cho thế giới trong toàn bộ các tác phẩm của họ trở nên độc đáo, khác biệt và thú vị.

Trong hai tác phẩm nổi bật của mình là The Implied Reader ( Độc giả tàng ẩn ) (1972) 9 The Act of Reading ( Hành động đọc ) (1976) 10 , Iser đã chỉ ra rằng một tác phẩm văn học, hay một văn bản, không phải là một chủ thể cố định để có thể được phân tích, cũng không phải là một trò chơi ô chữ mà người đọc phải giải quyết cho được. Iser cho rằng những cấu trúc và ký hiệu, hay mã ( codes ), trong một văn bản đóng vai trò hướng dẫn cách diễn giải của người đọc, và ông gọi nó là mô hình chức năng của văn bản văn học ( functionalist model of the literary text ). Như vậy, một tác phẩm văn học luôn có sự tương tác giữa văn bản và người đọc, và tác phẩm chỉ thật sự trở nên có ý nghĩa khi người đọc thực hiện và hoàn thành hành động đọc của họ. Với cấu trúc mang tính giao tiếp này của văn bản ( the communicatory structure of the literary text ), nghĩa là một cấu trúc ký hiệu mà tính vô định, chưa rõ ràng của nó ( indeterminacy ) đã thúc đẩy trí tưởng tượng và ý thức của người đọc, văn bản được giải mã một cách khác nhau tùy vào tình trạng nhận thức của họ. Ở đây Iser đã nhìn hành động đọc dưới góc độ hiện tượng luận ( phenomenology ) và quả thật, ông có nhắc đến hai nhà hiện tượng luận là Edmund Husserl và Roman Ingarden (học trò của Husserl) trong các tác phẩm của mình. Trong bài phê bình ( review ) công trình The Act of Reading của Iser, O’Hara 11 cho rằng Iser khác Husserl ở chỗ ông không đồng ý việc có thể có một vị trí khách quan nào đóng vai trò phân xử giữa những sự diễn giải khác nhau đối với một văn bản văn học, và Iser khác Ingarden ở chỗ ông cho rằng về cơ bản, chính những khoảng vô định ( spots of indeterminacy) trong tác phẩm giải phóng trí tưởng tượng của con người (tr. 90).

Một văn bản văn học luôn có những khoảng trống ( gaps ) hay những khoảng vô định ( spots of indeterminacy ), và chính những khoảng trống này đã khiến người đọc luôn thao thức lấp đầy và tìm ra những mối liên hệ giữa chúng; nhờ đó, trí tưởng tượng của họ luôn được đặt trong trạng thái hoạt động tích cực. Theo ông, nội dung của văn bản thật ra là trôi tự do ( free floating ) và ý nghĩa của nó phụ thuộc vào hành động đọc của người đọc. Đó là một văn bản “giúp người đọc phá tung những quy định của thói thường và như vậy cho phép họ tạo tác những gì đã thoát thai từ văn bản…” [ 10 , tr. 49].

Nếu coi đời sống là một văn bản rộng lớn, phức tạp và linh hoạt, với nhiều khoảng vô định cần lấp đầy và giải mã như lý thuyết của Iser, thì nhà văn/ nhà thơ quả thực là những người đọc tích cực. Họ đã “phá tung những quy định của thói thường” và tạo tác thế giới của chính mình từ những chất liệu mà cuộc sống trao cho họ. Bằng cách giải nghĩa thế giới theo những trải nghiệm cá nhân, họ “đọc” cuộc đời theo cách họ hiểu. Louise M. Rosenblatt (1904 – 2005), giáo sư và nhà nghiên cứu văn học theo hướng phê bình Phản hồi độc giả, trong công trình Literature as Exploration (Văn chương như sự khám phá) (1938) 12 , đã nhấn mạnh vai trò của kinh nghiệm cá nhân trong việc đọc:

“Những yếu tố cá nhân chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phương trình giữa sách và người đọc [sự liên hệ giữa văn bản và người đọc]. Kinh nghiệm quá khứ cùng những mối bận tâm hiện tại có thể tác động đến phản hồi ban đầu của người đọc một cách tích cực. Trong vài trường hợp, những kinh nghiệm này đem đến những phản hồi viên mãn và cân bằng đối với tác phẩm. Hoặc ngược lại, chúng có thể giới hạn hoặc xuyên tạc phản hồi này.” [ 12 , tr. 75]

Như vậy, mỗi tác giả khác nhau thực hiện một hành động “đọc” cuộc đời khác nhau, và hành động đó phản ánh trí tưởng tượng và kinh nghiệm cá nhân của họ. Từ sự hồi đáp của họ với cuộc đời, đến lượt họ, các tác giả lại tiếp tục gây nên những hồi đáp khác nhau nơi người đọc của chính mình. Hành động định nghĩa và đố, theo đó, cũng có thể được xem là một cách “đọc” thế giới và cuộc sống rất đặc thù, nơi phản ánh trí tưởng tượng của con người trong việc tái tạo thế giới. Những định nghĩa và câu đố mới lạ về sự vật/ hiện tượng, không theo cách hiểu thông thường, thể hiện trí tưởng tượng cùng kinh nghiệm cá nhân phong phú của tác giả trong cách họ đọc tác phẩm – cuộc đời này.

DICKINSON VỚI THƠ ĐỊNH NGHĨA VÀ THƠ ĐỐ

Thơ định nghĩa (definition poems)

Aristotle đã nói về “định nghĩa” rằng: “định nghĩa là nói về cái tinh chất hoặc bản tính thiết yếu” (“definition is of the essence or essential nature”) (dẫn theo Eco, 1984, tr. 57) 8 . Một định nghĩa, theo đó, phải cho biết được tinh chất / bản chất ( essence ), phải giải thích được ý nghĩa tên gọi của một sự vật / hiện tượng, chứ không phải chỉ ra rằng “điều gì đó cũng có thể được gán cho một đối tượng đang xem xét” (“something can be said of a given subject”) (tr. 58). Nói cách khác, định nghĩa là quá trình tư duy quy nạp ( inductive thinking ) để tìm ra bản tính thiết yếu của đối tượng được xem xét, chứ không phải là quá trình tư duy diễn dịch ( deductive thinking ). Quá trình tư duy diễn dịch là sự chứng minh / thuyết minh ( demonstration ) chứ không phải là định nghĩa. “Điều gì đó cũng có thể được gán cho một đối tượng đang xem xét” là quá trình tư duy diễn dịch, mở rộng, khó làm nổi bật được yếu tính, tinh chất ( essence ) của sự vật / hiện tượng. Dickinson, với cuộc sống tách biệt của mình, hẳn nhiên có rất nhiều những quan sát cá nhân. Những quan sát đó khiến bà giống như một nhà khoa học, một nhà ngôn ngữ đang làm việc, đang ghi chép lại kinh nghiệm và xúc cảm của mình đối với những sự vật / hiện tượng, và rồi quy nạp chúng để cuối cùng rút ra những quy luật, định nghĩa trong công trình thơ đồ sộ của mình. Do vậy, có thể nói những định nghĩa trong thơ Dickinson phản ánh kinh nghiệm và trí tưởng tượng cá nhân trong sự tri nhận thế giới chung quanh.

Thế giới trong thơ Dickinson là thế giới đã được định nghĩa lại theo cách rất riêng của bà. Những niềm tin thông thường biến mất, thay vào đó là một thế giới quan mới mẻ, lạ lẫm. Dù cuộc sống chỉ gói gọn trong không gian địa lý là gia trang của mình, đôi cánh của trí tưởng tượng đã đưa bà vượt khỏi giới hạn đó. Dickinson giữ một thái độ hoài nghi, một đôi mắt tò mò để xem xét lại mọi thứ, và cuối cùng thay đổi thế giới như cách bà muốn nó như thế. Thế giới đó không phải là thế giới mà người ta nắm tay dẫn Dickinson đi vào. Trái lại, đó là một thế giới mà một người muốn vào phải được trao chìa khóa từ tay Dickinson. Muốn là thành viên của thế giới đó, người ta phải chấp nhận những mật mã Dickinson, đúng như bà đã từng viết trong bài thơ số 409 của mình: “Linh hồn lựa chọn thế giới của riêng mình / Rồi – đóng lại cánh cửa” Với những tâm hồn khô cứng, máy móc, đòi hỏi việc phải tuân theo các quy luật của thơ, ngữ pháp, chính tả… thì thế giới Dickinson đã đóng sầm cửa lại ngay trước mặt họ. Thơ của Dickinson chỉ mở cửa cho những tâm hồn phóng khoáng, rộng mở, những trái tim tự do, quảng đại mà thôi. Đó là tinh thần Mỹ ăm ắp trong từng hơi thở, từng trang thơ của bà!

Khi cả thế giới tin rằng ong làm mật, Dickinson cho rằng rất ít con ong có thể làm ra được độ sánh như thế của mật ong, mà chính là mùa hè đã góp sức lao động của mình vào chất vàng sệt đặc biệt ấy. Mùa hè là một thành tố quan trọng để làm ra mật ong.

Rất ít loài ong ủ được

Độ sánh của mật ong

Đó là do Mùa hè

Nhân lên sự giúp đỡ nhỏ xíu của mình

Chất mật vàng sánh ấy

[ 13 , tr. 335]

Nếu đúng như thế thì trong từ điển của Dickinson, /mật ong/ = “một chất ngọt + vàng hoặc nâu + được làm bởi ong + được hoàn thiện bởi mùa hè .” Bằng sự nhạy cảm với thiên nhiên, Dickinson tin rằng mùa hè mới chính là thành tố quyết định làm ra mật ong. Không có mùa hè, sẽ không có mật! Không có mùa hè, mật ong sẽ không thể đạt được độ sánh, sệt, vàng như ta thấy. Mùa hè mới là cỗ máy cần thiết hoàn thiện mật ong.

Vì một lý do nào đó, Dickinson có những định nghĩa khác nhau cho “niềm hy vọng”, “Hy vọng là loài có lông vũ / Đậu trong tâm hồn”, “Hy vọng là phát minh kỳ lạ / Bằng sáng chế của Trái tim”, “Hy vọng là kẻ háu ăn tinh khéo / Kiếm chác trong hội chợ.” Sự thú vị, như đã nói ở trên, nằm ở trục tung, khi bản kê của bà là bất định, bất ngờ, không đoán được. Ngay cả khi Dickinson lý giải “‘Hope’ is the thing with feathers” , người đọc nếu tìm kiếm một định nghĩa theo Ngôn ngữ học hay một cuốn từ điển, có lẽ sẽ bị đưa vào một mê cung để tiếp tục tìm định nghĩa cho khái niệm “thing”, trong khi nó là một thứ vừa cụ thể nhưng lại cũng rất mơ hồ. Trong trường hợp này, người đọc chỉ còn một cách là dùng trí tưởng tượng để đi vào thế giới phong phú lạ lùng của Dickinson mà thôi.

Hy vọng là loài có lông vũ—

Đậu trong tâm hồn—

Cất lên giai điệu không lời

Và không bao giờ ngừng hát—

[ 13 , tr. 116]

Hy vọng là phát minh kỳ lạ--

Bằng sáng chế của Trái tim—

Trong hành động không ngừng nghỉ

Nhưng chẳng mệt bao giờ

[ 13 , tr. 597]

Hy vọng là Kẻ háu ăn tinh khéo

Kiếm chác trong Hội chợ

Nhưng dò xét cẩn thận

Mọi Kẻ kiêng khem

[ 13 , tr. 645]

Có lẽ có những lý do khá đặc biệt trong cuộc đời bà để bà luôn ưu tư với niềm hy vọng. Dickinson không trốn tránh những thực tế sòng phẳng và lạnh lùng của cuộc đời; vì vậy, đã có lần bà thú nhận rằng: “ Tôi không quen với hy vọng / Nó cứ thế xông vào / Nhịp chân ngọt ngào của nó – nguyền rủa nơi đây / Khiến người ta chịu đựng” [ 13 , tr. 193]. Dickinson gợi nhớ đến thần thoại Hy Lạp với chiếc hộp của Pandora, nơi niềm hy vọng là thứ cuối cùng còn giữ được trong hộp. Khi con người phải đối diện với những tai ương đau khổ trong cõi đời, được tin là đã thoát ra chiếc hộp đó, thì niềm hy vọng giữ họ khỏi gục ngã, thắp lên cho họ một niềm tin vào những gì vẫn chưa xảy ra ở tương lai. Tuy nhiên, niềm hy vọng không hoàn toàn được hiểu một cách tích cực như thế. Trong nhiều tình huống, mỉa mai thay, nó lại là kỳ vọng lừa dối ( deceptive expectation ). Nó không đem lại niềm tin mà ngược lại, nó làm cho con người thống khổ vì phải chịu đựng những ảo ảnh, hão huyền. Dickinson đã nhận ra điều đó trong những phút giây đen tối của cuộc đời: “Tôi không quen với hy vọng”.

Một khái niệm khác mà Dickinson dành nhiều hơn một bài thơ để định nghĩa, là “danh tiếng” ( fame ). Dickinson sống ẩn dật, không ưa lối sống ồn ào, vội vã, nổi bật, dù bà thật sự nổi bật. Do đó, “danh tiếng” với bà là điều rất nguy hiểm. Trong bài thơ 1763, bà định nghĩa “danh tiếng” là một chú ong phù du với bài ca ngọt ngào mà cũng đầy nọc độc, và chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ cất cánh bay đi.

Danh tiếng là loài ong

Có tiếng hát—

Có nọc độc—

À, và cũng có cánh

[ 13 , tr. 713]

Nhưng trong bài thơ số 1659, giọng điệu bà quả quyết và cứng rắn hơn trong cách nhìn “danh tiếng”: “Danh tiếng là món ăn hay thay đổi… / Loài người ăn vào sẽ chết” , và trong bài thơ số 1475, lời nhắc nhở được lặp lại một cách kiên quyết hơn: “Danh tiếng không ở lại / Người giữ nó sẽ chết” . Lời cảnh báo của bà gợi nhớ đến lời cảnh báo của Thiên Chúa trong vườn Địa đàng dành cho Adam và Eve: “… trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (Sáng thế, 2:17) 14 . Các nhà chú giải Kinh thánh giải thích rằng “cây biết điều thiện điều ác” chính là sự kiêu ngạo. Vì con người nghĩ rằng mình có thể thông thái và khôn ngoan bằng Thiên Chúa nên đã nghe lời cám dỗ và đi ngược lại lời dạy của Người. Dickinson, với một ý thức rõ ràng về danh vọng và sự kiêu ngạo, đã khái niệm hóa “danh tiếng” với những thứ hay thay đổi, chóng qua, và thậm chí, với cái chết. Thế giới của bà tỏa hương thơm khiêm nhường, thận trọng với danh tiếng, và do đó, không có sự tồn tại những con ếch ộp oạp lắm lời và thích thể hiện: “Tôi không là ai cả! Bạn là ai? Có phải bạn cũng không là ai cả?... / Thật đáng sợ khi là ai đó / Ở chốn công cộng – như một con ếch” [ 13 , tr. 133].

Không có gì ngạc nhiên nếu Dickinson cũng định nghĩa lại Kinh Thánh! Nền văn hóa nuôi dưỡng bà gắn liền với những lời dạy trong cuốn sách mà ai cũng tin là Sách Thánh và không cần chất vấn. “Kinh Thánh là bộ sách cổ / Viết bởi những người đã phai” [ 13 , tr. 644]. Nhưng với Dickinson, nó khác cuốn Kinh Thánh mà mọi người đang cầm đọc trên tay ở chỗ nó đầy tràn những kinh nghiệm cá nhân, trong đó: “ Eden – là gia trang cổ kính / Satan – Lữ đoàn trưởng / Judas – Kẻ tội đồ vĩ đại / David – Chàng hát rong / Tội lỗi – là tình trạng nguy hiểm / Người ta phải kháng cự… [ 13 , tr. 644]. Nếu những người trong cộng đồng nhìn Kinh Thánh như một cuốn sách chứa đựng lời răn dạy và luật lệ của Thiên Chúa, hoặc ít ra những câu chuyện của nó luôn đem đến một bài học nào đó, thì Kinh Thánh đối với Dickinson không phải là cuốn sách luật ngập tràn những điều trói buộc của Đấng mà bà chưa từng nhìn thấy. Trái lại, nó mà là một câu chuyện dài với những nhân vật đặc biệt, là những trang tiểu thuyết với nhiều tình tiết ly kỳ, với “Satan – Lữ đoàn trưởng” và “Judas – Kẻ tội đồ vĩ đại”, và có thể lãng mạn nữa với “David – Chàng hát rong.” Vì vậy, Địa đàng chính là gia trang xinh đẹp của bà, và Kinh Thánh giống những trang sách hấp dẫn với nhiều nhân vật đáng nhớ. Một lần nữa, người đọc thấy rằng hình như chẳng có giới hạn nào cho trí tưởng tưởng của bà; bà định nghĩa thế giới này như cách bà muốn, chứ không phải như những khuôn mẫu đã được đặt ra. Những ví dụ phong nhiêu khác trong thơ bà có thể kể đến như: “Faith – is a Pierless Bridge” (“Niềm tin – là Chiếc cầu không móng”) (#915); “Remorse – is Memory – Awake” (Hối tiếc – là Kỷ niệm - Thức tỉnh) (#744); “Faith is a fine Invention” (“Niềm tin là một phát minh tuyệt vời”) (#185); “Bliss is the plaything of the child” (“Hạnh phúc là đồ chơi con trẻ”) (#1553); “Doom is the House without the Door -” (“Số phận là Ngôi nhà không Cửa –”) (#475); “An Hour is a sea” (“Một tiếng là đại dương” ) (#825); “Forever is composed of Nows” (“Mãi mãi được tạo nên bởi những hiện tại”) (#624)…

Thơ đố (Riddle poems)

Trong cuốn On Rhetoric ( Thuật hùng biện ) 15 của Aristotle, ông đã chỉ ra mối liên hệ giữa câu đố ( riddle ) và ẩn dụ ( metaphor ). Theo ông, ẩn dụ có thể được sử dụng để gọi tên một sự vật / hiện tượng nào đó mà chưa được đặt tên, nhưng tên gọi đó không nên “quá xa vời mà phải được rút ra từ những thứ có liên quan và tương tự nhau” ( “be far-fetched but taken from things that are related and of similar species” ) (1405b), giống như trong trường hợp của một câu đố. Từ đó, Aristotle khẳng định:

“Từ một câu đố tốt nhìn chung có thể rút ra được những lối ẩn dụ phù hợp; bởi vì ẩn dụ được tạo nên giống như câu đố; vì vậy, rõ ràng là [một lối ẩn dụ rút ra từ một câu đố tốt là] một sự chuyển đổi phù hợp trong cách dùng từ.” [ 15 , tr. 201]

Quan điểm này cũng được ông nhắc lại trong cuốn Poetics ( Nghệ thuật thi ca ) 16 được viết sau đó, khi ông nói về các tính chất của ngôn từ, trong đó ông khẳng định tính chất quan trọng nhất là sự rõ ràng ( clarity ). Tuy nhiên, ngôn từ có thể trở nên trang trọng ( dignity / dignified ), khác với cách dùng bình thường nếu được sử dụng những cách biểu đạt mới lạ, trong đó có cách dùng ẩn dụ. Trường hợp nếu hoàn toàn dùng ẩn dụ trong ngôn từ, đó sẽ là câu đố. Theo ông, hiện tượng câu đố xảy ra khi một đối tượng được nói đến nhưng người nghe không thể kết nối (nghĩa là không thể hiểu) với đối tượng đó, bởi vì cách diễn đạt đó là sự kết hợp của những thứ không thể được kết hợp. Điều này không thể xảy ra nếu kết hợp những từ khác, nhưng khi kết nối các ẩn dụ với nhau thì được . Nói tóm lại, hiện tượng câu đố có liên quan đến cách dùng ẩn dụ để che giấu đối tượng muốn nói đến, chỉ đưa ra sự tương tự với đối tượng đó để người nghe / người đọc có thể phỏng đoán.

Thơ Dickinson có xuất hiện một hiện tượng đặc biệt là khi đọc hết bài thơ, người ta vẫn chưa rõ bà đang muốn nói đến sự vật / hiện tượng gì. Các nhà nghiên cứu gọi đó là câu đố trong thơ của bà. Thật vậy, nhiều tài liệu về tiểu sử cho thấy khi còn sống, bà cũng đã có những trao đổi về thơ với những người gần gũi, và bạn bè thân cận của bà cũng đã từng phỏng đoán những thứ bà muốn nhắc đến trước khi được bà đưa ra câu trả lời 17 , 18 , 19 , 20 , 21 . Bởi vì việc tạo ra một câu đố tương tự với việc tạo ra một ẩn dụ, nên nó đòi hỏi người sáng tạo cần có sự quan sát thấu đáo để tìm ra những nét tương đồng. Trong trường hợp của Dickinson, sự quan sát của bà còn được kết hợp với năng lực tưởng tượng phong phú để cuối cùng những câu đố của Dickinson luôn đem lại sự thích thú và tò mò.

Hiện tượng câu đố này, nếu đem chiếu vào sơ đồ Table 2 ở trên, thì sẽ thấy nó thiếu phần giao nhau giữa hai trục hoành và trục tung, nghĩa là phần kết quả. Nhưng vì cả trục hoành và trục tung trong các định nghĩa của Dickinson đều là những khái niệm không giới hạn và bất định, nên các kết quả thường rất khó đoán. Nhà nghiên cứu Benfey 2 cho rằng “cũng như những định nghĩa của Dickinson có chứa câu đố trong đó, trong các câu đố của bà cũng mang sẵn những định nghĩa” (tr. 89). Những câu đố trong thơ Dickinson thường được tạo ra bằng cách mô tả những thuộc tính của một sự vật / hiện tượng nên chúng gần với định nghĩa. Đôi khi đó là những thuộc tính khá quen thuộc, nhưng cũng có lúc chúng lại khó hình dung với người đọc / người nghe thơ bà. Điều này đem lại sự thú vị cho người thưởng thức thơ.

Một bài thơ nổi bật cho hiện tượng này là bài A Narrow fellow in the Grass (#986) ( Một gã nhỏ hẹp trên cỏ ), và đây là bài dễ đoán nhất của Dickinson. Người đọc không biết “gã nhỏ hẹp” là ai, mà chỉ được cung cấp những thông tin như:

Cỏ rẽ ra như có lược chải qua

Gã thích đầm lầy

Đã hơn một lần vào buổi trưa, tôi

Băng qua gã, tôi nghĩ, một ngọn roi

Bị sổ ra dưới ánh mặt trời

Tôi cúi cuống nhặt

Gã oằn mình lại, rồi biến mất .

[ 13 , tr. 459]

Những thông tin được cung cấp trong bài này tương đối rõ ràng với những đặc trưng quen thuộc, dễ nhận biết. Còn có vài gợi ý khác cũng rất hấp dẫn và thú vị trong bài thơ, nhưng đến đây, người đọc hầu như đã đoán ra được “gã nhỏ hẹp” ấy là ai, qua cách dùng ẩn dụ “Băng qua gã, tôi nghĩ, một ngọn roi” . “Gã” ấy chính là con rắn.

Trong một bài thơ khác, Dickinson mở đầu với “I like to see it lap the miles” ( “Tôi thích nhìn nó băng qua dặm đường” ) (#585). Nếu ở bài thơ trên, người đọc có thể bị đánh lừa bởi từ “fellow” để nghĩ rằng đó là một người nào đó, thì ở bài thơ này, người đọc sẽ vấp phải chữ “it”, một đại từ mà khả năng thay thế khá rộng.

Tôi thích nhìn nó băng qua Dặm đường

Rồi liếm láp Thung lũng

Dừng lại bên Bể nước

Và tiếp tục những bước đi đồ sộ [ 13 , tr. 286]

Bài thơ được tiếp tục với những hành động của “nó”: “Vòng quanh những ngọn núi… / Rồi len lỏi bò qua / Dọc đường cứ phàn nàn / Bằng những lời khủng khiếp / Rồi lại băng xuống đồi” . Độc giả của Dickinson chưa thống nhất lắm câu trả lời cho bài thơ này, nhưng chỉ có thể là một trong hai đáp án sau đây: đoàn tàu lửa, hoặc con đường băng qua núi.

Một trong những bài thơ đặc biệt nhất và khó đoán nhất của loại thơ này là bài A Route of Evanescence ( Ngả đường phù du ) (#1463).

Ngả đường phù du

Với bánh xe quay tròn

Vọng về ngọc lục bảo

Ồ ạt phẩm yên chi

Tất cả những bông hoa trong bụi

Ngước cổ nhìn theo

Có thể là thư đến từ Tunis

Một chuyến đi buổi sáng dễ dàng

[ 13 , tr. 619]

Bài thơ đánh đố người đọc, ngay cả người đọc có kinh nghiệm và quen thuộc với thơ Dickinson. Người đọc hoàn toàn không được cung cấp một khái niệm giới hạn hay một hành động mang tính gợi ý nào. Dickinson hoàn toàn đưa người đọc vào một thế giới bay bổng vô định mà ở đó, người ta biết nó đẹp nhưng không biết cái gì đẹp, biết có hương thơm nhưng không rõ hương thơm tỏa ra từ đâu, biết có vị rất ngon nhưng không hiểu mình đã nếm thứ gì! Một cảm giác vừa thích thú nhưng cũng chen lẫn chút bực bội, vì không thể đoán ra nó là gì. Benfey 2 nói rằng đó là bài thơ về con chim ruồi, và ông có đủ chứng cứ về tiểu sử của bà để xác định đó chính là con chim ruồi. Nếu quả vậy, có thể màu ngọc lục bảo và phẩm yên chi (màu son) là màu sắc của nó, và bánh xe quay tròn phải chăng nhắc đến đôi cánh vỗ vỗ liên tục không ngừng đến nỗi nhìn như những bánh xe quay đều? Chú chim ruồi dừng lại trên những bông hoa để hút mật và những bông hoa thì hướng nhìn lên, một hành động mà Dickinson quan sát thấy giống như sự trao đổi thông tin giữa người đưa tin và người nhận tin. Benfey có thể đúng, nhưng điều đó cũng không ngăn cản mỗi người đọc tiếp tục đi tìm câu trả lời hợp lý cho chính mình trong một thế giới tươi mới mà Dickinson đã mở ra.

KẾT LUẬN

Thơ Dickinson, khi được nhìn từ góc độ nguyên lý khái quát hóa của Ký hiệu học, đã mở ra một khả năng tự trở nên một cuốn từ điển về thế giới của chính bà, với những định nghĩa và câu đố mà nội hàm của chúng bao gồm lẫn nhau. Thế giới ấy là thế giới được viết lại, được vẽ lại bằng những quan sát tinh tế, tâm hồn nhạy cảm và trí tưởng tượng vô cùng, một thế giới chứa đầy mật mã mà chỉ khi dùng chính thế giới quan của bà, người đọc mới có thể hiểu được cuốn từ điển đặc sắc đó. Khi cuốn từ điển ấy được mở ra, thế giới tinh thần của bà được hiển hiện, bộc lộ một tư tưởng phóng khoáng, tự do, một bộ óc thông minh, sắc sảo, và hóm hỉnh. Cuốn từ điển về thế giới trong thơ của bà sẽ làm thỏa mãn sự tò mò cho những ai đã từng đọc nó.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Hiện tượng thơ định nghĩa và thơ câu đố đã được nhiều nhà nghiên cứu về Emily Dickinson nhận ra, nhưng các tác giả hầu như chỉ nhắc đến chúng như một chiều kích sáng tạo độc đáo của Dickinson chứ chưa quan tâm đến việc lý giải hai hiện tượng này, đặc biệt từ góc độ ngôn ngữ. Với bài viết này, người viết đã vận dụng lý thuyết của nhà ngôn ngữ học Louis Hjelmslev để giải thích hình thức của hai hiện tượng trên, qua đó làm nổi bật tư duy sáng tạo của bà.

References

  1. Hecht A, Dickinson E. The riddles of Emily Dickinson. N Engl Rev. 1978;1(1):1-24. . ;:. Google Scholar
  2. Benfey CEG. A route of evanescence: Emily Dickinson and Japan. Emily Dickinson J. 2007;16(2):81-93. . ;:. Google Scholar
  3. Leiter S. Critical companion to Emily Dickinson - A literary reference to her life and work. New York: Facts on File; 2007.. . ;:. Google Scholar
  4. Hjelmslev L. Prolegomena to a theory of language Whitfield FJ, translator. Madison: University of Wisconsin Press; 1961. . ;:. Google Scholar
  5. Saussure FD. Course in general linguistics. Open Court, IL; 1983. . ;:. Google Scholar
  6. Todorov T. Theories of the symbol Porter C, translator. New York: Cornell University Press; 1982. . ;:. Google Scholar
  7. Khuê T 2017. Phê bình Văn học Thế kỷ XX. Hà nội: hội nhà Văn. . ;:. Google Scholar
  8. Eco U. Semiotics and the philosophy of language. Bloomington: Indiana University Press; 1984. . ;:. Google Scholar
  9. Iser W. The implied reader: patterns of communication in prose fiction from bunyan to Beckett. Baltimore: Johns Hopkins University Press; 1974. . ;:. Google Scholar
  10. Iser W. The act of Reading: A theory of aesthetic response. Baltimore: Johns Hopkins University Press; 1980. . ;:. Google Scholar
  11. O'Hara DT, Iser W. The act of reading: A theory of aesthetic response. J Aesthet Art Crit. 1979;38(1):88-91. . ;:. Google Scholar
  12. Rosenblatt LM. Literature as exploration. 5th ed. New York: Modern Language Association of America; 1995. . ;:. Google Scholar
  13. Dickinson E, Johnson TH. The complete poems of Emily Dickinson. Boston: Little, Brown & Company Limited; 1960. . ;:. Google Scholar
  14. Thánh K trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước. Nhóm Phiên dịch các giờ Kinh Phụng vụ dịch. Hồ Chí Minh: NXB TP.HCM. . 2002;:. Google Scholar
  15. Aristotle. On rhetoric: A theory of civic discourse. 2nd ed Kennedy GA, translator. Oxford: Oxford University Press; 2006. . ;:. Google Scholar
  16. Aristotle. Poetics Sachs J, translator. Newburyport: Focus Publishing / R. Pullins Company; 1997. . ;:. Google Scholar
  17. Dickinson E. The letters of Emily Dickinson Johnson TH, editor. Cambridge, MA: Belknap Press of Harvard University Press; 1958. . ;:. Google Scholar
  18. Dickinson E. Letters of Emily Dickinson Todd ML, editor. New York: Dover Publications; 2003. . ;:. Google Scholar
  19. Leite S. Critical companion to Emily Dickinson - A literary reference to her life and work. New York: Facts on File; 2007. . ;:. Google Scholar
  20. MacKenzie C. Concordance to the letters of Emily Dickinson. CO: University Press of Colorado; 2000. . ;:. Google Scholar
  21. Wagner-Martin L. Emily Dickinson: A literary life. New York: Palgrave Macmillan; 2013. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 1549-1559
Published: Jun 30, 2022
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.732

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Hong-An, P. (2022). Definition poems and Riddle poems in Emily Dickinson’s Poetry. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(2), 1549-1559. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.732

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 347 times
PDF   = 206 times
XML   = 0 times
Total   = 206 times